Nếu bạn đang băn khoăn dịp cuối tuần này không biết đi đâu thì hồ Ba Bể là sự lựa chọn rất tuyệt vời. Nằm trong top những hồ nước ngọt đẹp nhất thế giới, Ba Bể đã được đưa vào khai thác du lịch, thu hút lượng lớn khách du lịch. Hãy cùng mình khám phá vẻ đẹp hút hồn của Ba Bể qua bài viết này nhé!
1. Về hồ nước ngọt lớn nhất Việt Nam – Hồ Ba Bể
Ba Bể là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất thế giới và là hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt Nam, nằm trong vườn quốc gia Ba Bể – nơi được công nhận là khu du lịch quốc gia Việt Nam. Giá trị của hồ không những dừng lại ở giá trị du lịch bởi cảnh đẹp tạo hóa ban cho nơi đây mà còn là giá trị địa chất, địa mạo độc đáo, sự đa dạng sinh học, với diện tích mặt nước hơn 650 ha và chiều dài 8 km, bao phủ bởi những dãy núi đá vôi sừng sững cùng nhiều mạch nước ngầm.

2. Đường tới Ba Bể
Mình cùng cô bạn đến với Ba Bể vào một ngày tháng Tư, tiết trời vẫn còn vương vấn mùa Xuân nên rất mát mẻ, rất tuyệt vời cho những chuyến dã ngoại xa. Ba Bể cách Hà Nội khoảng 220 km, cung đường khá là dễ đi, nên chúng mình chủ động đi bằng xe máy.

Một khúc đường lên Ba Bể.
Cung đường vạch sẵn: Hà Nội – Quốc lộ 3 – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Ba Bể, 7 giờ sáng bắt đầu xuất phát, đến 2 giờ chiều chúng mình có mặt ở Ba Bể. Bên cạnh cách di chuyển bằng xe máy, bạn có thể đi xe khách cũng rất tiện. Từ Hà Nội, có bến xe Yên Nghĩa hay Mỹ Đình đều có rất nhiều xe đi Bắc Kạn, sau đó bắt tiếp xe đến Ba Bể.

3. Động Hua Mạ
Để chủ động và tiết kiệm cho chuyến đi, bọn mình đã đặt trước homestay trên Traveloka để có giá rẻ. Homestay Hoàng Chuyền là nơi chúng mình ở, phòng chỉ đủ tiện nghi cơ bản, nhưng được ưu điểm là view thoáng, gió mát và cảm giác rất dễ chịu. Với phòng tụi mình thuê giá là 180.000 VND / phòng / 2 người.

Kiệt tác của thiên nhiên.
Sau khi qua homestay cất đồ, bọn mình bắt tay ngay vào khám phá Ba Bể, địa điểm đầu tiên bọn mình chọn chính là động Hua Mạ. Ở phía Nam hồ Ba Bể, bên bờ sông Lèng, ngọn núi Cô Đơn nằm sừng sững giữa khu Lèo Pèn, cây cối bao phủ rậm rạp. Giữa lưng chừng núi, động Hua Mạ ăn sâu vào lòng núi theo hướng Đông – Nam quanh năm u tịch. Với độ cao 350 m so với mặt nước biển, du khách sẽ đi bộ lên những bậc thang dốc thoải theo sườn núi. Giá vé vào cửa là 25.000 VND / người.
Ngay khi đặt bước chân vào động, cảm nhận của mình là choáng ngợp, có đôi chút rùng mình vì sự thay đổi đột ngột trong và ngoài động. Theo lời người dân địa phương, chiều dài của hang động khoảng 7km, trần động có chỗ rộng 40 – 50 m. Những vách đá nhũ lung linh, kỳ vĩ trổ ra từ lòng hang, càng đi sâu vào hang, những “bí mật” càng dần được hé lộ.
4. Homestay Hoàng Chuyền – Bản Pác Ngòi
Sau khi tham quan động Hua Mạ, chúng mình đi thăm bản Pác Ngòi – nằm dưới chân núi Phù – Phia – Miang, soi mình xuống dòng nước xanh ngắt, bản như nét chấm phá giữa bức tranh sơn thủy nơi đây. Bản Pác Ngòi vẫn giữ nguyên trong mình nét văn hóa bản địa, những mái nhà sàn truyền thống, nghề thổ cẩm dệt vải, cùng với văn hóa của người Tày. Đến với bản Pác Ngòi, bạn sẽ được trải nghiệm những hoạt động thường ngày của người Tày như dệt vải, chài lưới trên sông, làm nhạc cụ truyền thống, đặc biệt là đi thuyền độc mộc trên hồ Ba Bể.

Homestay lưng tựa núi.
Ở bản Pác Ngòi, homestay siêu xinh và có lưng tựa núi là “đặc sản” không thể thiếu, chúng mình chỉ cần đi men theo các khu nhà là đã có những bức ảnh vô cùng độc đáo rồi. Về lại Hoàng Chuyền đợi cơm tối, bữa cơm chúng mình được phục vụ có giá 200.000 VND, các món ăn phục vụ rất đầy đặn, 2 người ăn vẫn vừa đủ.

5. Khám phá Hồ Ba Bể
Sáng hôm sau chúng mình dậy sớm, khám phá một Ba Bể thật khác. Lúc này cảnh vật vẫn bị phủ kín sương. Làn sương phủ lên những ngọn núi, vấn vít trên những ngọn cây, như chiếc chăn dày. Tiếng chim hót lảnh lót, vang vọng khắp núi rừng, không khí tĩnh mịch, trong lành, chẳng còn tiếng còi xe chen chúc, khói bụi phả ra từ những ống bô xe.

Màn sương mù sáng sớm.
Chúng mình cứ đi lang thang như vậy, ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, những người dân chạy sớm chạy tập thể dục. Sau khi ngắm cảnh Ba Bể sáng sớm, tụi mình quay trở lại homestay để ăn bữa sáng. Ở đây có món bánh cuốn nước hầm ăn rất ngon và độc đáo. Bên cạnh đó là bánh cuốn truyền thống như bánh cuốn thịt, hay bánh cuốn trứng.

Những dãy núi trùng điệp.

Một màu xanh mát mắt.
Đến khoảng 9 giờ, khi ăn sáng no say, chúng mình thuê thuyền đi khám phá hồ Ba Bể. Khi đến với Ba Bể, bạn không thể bỏ qua trải nghiệm chèo thuyền mộc trên lòng hồ. Bọn mình đã thuê một chiếc thuyền với giá 350.000 VND, được sử dụng trọn một ngày, và thuyền có thể chở tối đa 8 người.

Cảm nhận từng khoảnh khắc vi vu trên mặt hồ.
Ba Bể khiến người ta ngơ ngẩn vì vẻ đẹp hữu tình, mặt nước phản chiếu bầu trời, in hình núi rừng, như tấm gương lớn phản chiếu mọi vật xung quanh. Chạm tay xuống dòng nước mát lạnh, bạn sẽ cảm thấy tâm linh vũ trụ và bản thân như hòa vào làm một.

Mặt nước hồ xanh ngát.
Ở hồ Ba Bể, có Ao Tiên, ao có hình tròn, rộng 3.000 m2, xung quanh ao được bao phủ bởi mảng rừng nguyên sinh và thảm rừng nguyên sinh, mặt ao tĩnh lặng, không chút gợn sóng. Khi đến Ao Tiên, bọn mình đã được người dân địa phương kể về sự tích thú vị gắn liền nơi đây. Câu chuyện về chàng thợ săn và bảy nàng tiên nữ, và nếu bạn nhìn về phía mặt trời lặn, còn một triền đá nhô cao, tương truyền là nơi các vị thần chơi cờ.

Xuôi hồ nước ngọt.
Từ Ao Tiên, chúng mình tiếp tục hành trình đến với thác Đầu Đẳng. Sông Năng khi chảy đến bản Húa Tạng thì đổ xuống từ triền đá lớn, tạo nên dòng thác Đầu Đẳng kỳ vĩ. Thác cách hồ Ba Bể chừng 4 km về phía Tây, để đến đấy bọn mình đi bộ qua những con đường nhỏ xuyên rừng mất 20 phút.

Dòng nước hiền dịu hơn.
Trên đường đi, bạn sẽ bắt gặp hệ thực vật đa dạng của Ba Bể. Thác có chiều dài 1000 m, tuôn chảy, uốn lượn qua các khe núi, rồi đổ xuống tạo nên sự dữ dội cho con thác. Tuy nhiên, khi bọn mình đến là tháng 4, không phải mùa nước đổ, mức nước thấp, nên con thác trở nên hiền dịu đi rất nhiều. Không còn những lớp bọt tung trắng xóa, tiếng ào ào nước đổ.
6. Đặc sản của xứ Bắc Kạn
Trên đường từ Ao Tiên về, tụi mình đã kịp thưởng thức đặc sản xứ Bắc Kạn: cá nướng và chuối nướng. Người dân nơi đây vẫn giữ phương pháp đánh bắt thủ công, họ chèo thuyền độc mộc ra giữa hồ, rồi đánh bắt bằng lưới và những dụng cụ đơn giản. Những con cá to sẽ được bán, những con cá nhỏ sẽ được làm món cá nướng. Bà con sẽ rửa sạch sẽ, moi ruột, rồi đem những con cá nhỏ phơi nắng dọc hồ, từ 2 -3 ngày. Sau quá trình phơi, những con cá khô lại, vàng ươm màu nắng.
Những que xiên cá sẽ xiên theo hình chữ A, và được ủ tro nóng, khi có khách đến ăn, chủ quán sẽ đem nướng lại cho nóng. Mỗi xiên cá dao động từ 5 – 10.000 VND tùy từng loại cá to nhỏ. Những con cá ở đây ăn rất ngọt, không tanh như các loại cá khác, chỉ một chút tương ớt thôi, tụi mình đánh bay gần chục xiên liền. Món cá xiên như mang cả cái hồn mộc mạc nơi đây, không cần tẩm ướp nguyên liệu, chỉ đơn giản là nướng lên thôi, nhưng đã quá ngon rồi.

Bên cạnh cá nướng, còn có tôm nướng, những con tôm bé tí xíu, kẹp lại. Người dân nơi đây có thú nhâm nhi cá, tôm nướng cùng chút rượu rồi trên những chiếc thuyền độc mộc, vừa ngắm cảnh lại được tửu ngon. Chuối nướng cũng là đặc sản nơi đây, chuối hột to tròn, vị ngọt bùi, được lột vỏ, xiên que nướng trên than hồng. Mùi thơm cá tôm nướng cùng chuối, thơm lừng, cuốn hút những cái bụng đói cồn cào.
Bọn mình kết thúc hành trình Hồ Ba Bể và quay lại homestay khoảng 12 giờ, nghỉ ngơi một chút rồi về Hà Nội. Chuyến đi rất phù hợp với dịp 2 ngày nghỉ cuối tuần. Còn chần chừ gì nữa, mà không lên lịch cùng “cạ cứng” thôi nào!